BĐS công nghiệp Việt Nam hưởng lợi lớn từ nguồn vốn FDI

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI đóng vai trò quan trọng thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển. Trong tương lai gần, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn từ làn sóng FDI, đặc biệt là làn sóng FDI thứ 4.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam: “Điểm nóng” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

BĐS công nghiệp Việt Nam hưởng lợi lớn từ nguồn vốn FDI
BĐS công nghiệp Việt Nam hưởng lợi lớn từ nguồn vốn FDI

Nhận định về bất động sản công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch DTJ Group cho biết, mặc dù kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng thu hút sản xuất công nghiệp của Việt Nam rất tốt và được xem là “điểm nóng” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài về tình hình thu hút vốn nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng tích cực, đạt 15,19 tỉ USD. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 5 năm (2020 – 2024).

Ông Khánh cho biết, năm 2023, trong khi Trung Quốc ghi nhận mức thu hút vốn FDI thấp nhất 30 năm, chỉ còn 33 tỷ USD thì Việt Nam thu hút tới 23 tỷ USD. Trong tương quan về diện tích/dân số của 2 nước chênh lệch rất lớn thì điều này cho thấy việc phát triển bất động sản khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn rất tích cực. Bên cạnh đó, về cơ sở hạ tầng, cảng biển tại Việt Nam được cải thiện rất tốt. Việt Nam hiện có 414 khu công nghiệp, 4 khu kinh tế, 1.580 cụm công nghiệp. Thực tế phát triển này mở ra nguồn cung rất lớn trong thời gian tới.

Theo ông Khánh, về mặt lợi ích, nếu có thể thực hiện thì các dự án bất động sản công nghiệp sẽ đem về dòng tiền ổn định với thời gian thu hồi vốn từ cho thuê có thể trong 8-12 năm. Thêm nữa, các chính sách của Nhà nước thời gian gần đây cũng hỗ trợ rất lớn cho mảng bất động sản công nghiệp, đặc biệt là việc luật mới cho phép chuyển nhượng bất động sản công nghiệp đã hoàn thiện pháp lý.

Ông Khánh cho biết, các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp cũng đang phải đối mặt với các thách thức như vốn yêu cầu ở lĩnh vực này rất lớn. Nguồn vốn lớn không chỉ với các nhà phát triển chuyên nghiệp mà cả với các nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia. Đầu tư bất động sản công nghiệp còn đối mặt với thách thức là thu tiền lâu, lợi nhuận vừa phải và thanh khoản không quá nhanh. Vấn đề về pháp lý cũng khá khó khăn để giải quyết với thời gian kéo dài. Trong tương lai, phát triển công nghiệp xanh sẽ là xu hướng tất yếu của Việt Nam và thế giới. Các nhà đầu tư cần chú trọng phát triển bất động sản công nghiệp xanh để đón đầu xu thế này.

Tiềm năng bất động sản công nghiệp trước làn sóng FDI thứ 4

BĐS công nghiệp Việt Nam hưởng lợi lớn từ nguồn vốn FDI
BĐS công nghiệp Việt Nam hưởng lợi lớn từ nguồn vốn FDI

Bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn từ làn sóng FDI, đặc biệt là làn sóng FDI thứ 4. Ông Thomas Rooney – Quản lý Cấp cao, Bộ phận Bất động sản Công nghiệp tại Savills, Hà Nội cho biết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ 4. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạonăng lượng tái tạo. Sự phát triển của các lĩnh vực này tác động trực tiếp đến bất động sản công nghiệp nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ.

Nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư trong bối cảnh việc đặt nhà máy ở Trung Quốc không còn là sự lựa chọn tối ưu về chi phí cũng giúp Việt Nam trở thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư cân nhắc về bất động sản công nghiệp. Mới đây, tập đoàn Nvidia từ Hoa Kỳ cam kết đưa Việt Nam thành một trung tâm công nghệ mới với thỏa thuận trị giá 200 triệu USD; hay Hana Micron từ Hàn Quốc và Intel với những dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD.

Xét về khu vực phát triển, theo dữ liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài, Bắc Ninh vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư ưu ái để phát triển bất động sản công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,58 tỷ USD, chiếm 17% tổng của cả nước. Đứng thứ hai là Bà Rịa – Vũng Tàu với 1,54 tỷ USD, và Quảng Ninh xếp vị trí thứ 3 với 1,36 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM.

Ngoài ra, các khu công nghiệp cần chú ý đến xu hướng xanh để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư: “Phát triển khu công nghiệp xanh là một xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Vì vậy, ngày càng nhiều nhà đầu tư tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Do đó, nhu cầu bất động sản công nghiệp xanh không chỉ đến từ việc phát triển bền vững trong ngành sản xuất mà còn từ yêu cầu của Chính phủ.

Dựa trên dữ liệu sơ cấp từ quá trình làm việc với khách hàng, ông Thomas đánh giá khoảng 80% – 85% các nhà đầu tư nước ngoài có yêu cầu về tiêu chuẩn ESG. Đồng thời, Việt Nam đang thích ứng với xu hướng này. Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030, khoảng 40% – 50% các tỉnh thành trong cả nước sẽ lên kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có thành khu công nghiệp sinh thái, và 8% – 10% các tỉnh thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới.

Để lại một bình luận